Kiến ba khoang tái xuất ở Hà Nội

Thời gian gần đây, mỗi ngày phòng khám Da liễu Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 10 -20 bệnh nhân nhập viện do kiến ba khoang đốt.
Ths.BS. Phạm Thị Mai Hương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo trẻ bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tái xuất.

Theo bác sĩ Mai Hương, kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa và rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau trận mưa, nước ngập, kiến không còn nơi cư trú, chúng bay vào nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn.
TS. Trương Xuân Lam cho biết, độc tốc của kiến ba khoang năm nay không thay đổi
Khi tiếp xúc với da, loài côn trùng này gây tổn thương da, viêm da tiếp xúc do côn trùng, người dân gọi là bệnh “giời leo”.

Bác sĩ Hương cho biết thêm, kiến ba khoang đốt thường xuất hiện ở vùng hở như: mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay. Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn tiếp tục xuất hiện mặc dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ tiếp tục quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.

Người bị kiến ba khoang đốt có cảm giác rát bỏng tại chỗ, nếu thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Các bác sĩ lưu ý, phụ huynh cần phân biệt viêm da tiếp xúc do côn trùng với bệnh Zona. Zona thường gặp ở những người đã từng bị thuỷ đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.
Mỗi ngày phòng khám Da liễu Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 10 -20 bệnh nhân nhập viện do kiến ba khoang đốt.
Trao đổi với phóng viên, TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, kiến ba khoang tiếp tục tái xuất ở Hà Nội.

Đây là loài bọ cánh cộc, có ba khoang rõ rệt. Chúng có chiều dài từ 5-7mm và xuất hiện từ rất lâu, sống chủ yếu ở cánh đồng. Với tập tính “hướng sáng” nên loại côn trùng này bay vào nhà dân và gây phiền nhiễu.

Khi chúng bò lên người, nhẹ thì ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng. Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời.

Tiến sĩ Lam cũng cho biết thêm, một số nốt đốt trên người hoàn toàn do kiến ba khoang gây ra. Thực chất có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với da cơ thể lạ, như một phản ứng bảo vệ.

TS. Lam khuyến cáo nếu thấy kiến bay vào nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường, chiếu. Nếu đã bị đốt, không được đập chết và chà xát chúng để hạn chết nọc độc lan rộng.
Theo Diệu Thu

Nhận xét